Được xem là một phần thương hiệu của du lịch Huế, nhưng dịch vụ nghe ca Huế trên sông Hương thời gian qua vẫn bị du khách than phiền.
Trước thực trạng đó, các ngành chức năng đã lên phương án siết chặt quản lý việc biểu diễn cũng như chấn chỉnh tình trạng “cò” vé ở trên khu vực ra vào và xuất bến. Việc này không chỉ lấy lại giá trị cho ca Huế mà còn gìn giữ thương hiệu văn hóa, du lịch của vùng đất cố đô.
Chấn chỉnh “trên bến, dưới thuyền”
Theo phản ánh của không riêng gì du khách mà ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ca Huế trên sông Hương, nạn bán hàng rong ở cổng khu vực bến Tòa Khâm (đường Lê Lợi) - lối dẫn vào nơi mua vé và xuống nghe ca Huế vẫn tái diễn. Cùng với đó, lối ra vào cũng bị ảnh hưởng bởi có rất nhiều phương tiện cùng ra vào một lúc, trong đó có nhiều loại xe chở khách cỡ lớn.
“Không chỉ vậy, có hiện tượng những người đạp xích lô, xe thồ đeo bám khách vào nghe ca Huế. Những người này nói với khách rằng hết thuyền chở khách để chở đi nơi khác hoặc “cò” hạ giá vé, rồi dẫn khách xuống thẳng thuyền” - một chủ doanh nghiệp hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương phản ánh.
Các cơ quan chức năng thừa nhận thực trạng mà các doanh nghiệp nêu ra là chính xác. Mới đây UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn tỉnh và tập trung ca Huế trên sông Hương.
Theo đó, ca Huế trên sông Hương chương trình phải có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi với lượng khách 15 người trở lên.
Cùng với đó có ít nhất 3 trong 4 loại nhạc cụ đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, ngoài ra có thể có nhạc cụ như đàn bầu, sáo, phách… và phải biểu diễn tối thiểu 50 phút.
Chương trình biểu diễn phải niêm yết tại các địa điểm bán vé kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế, trên thuyền ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn. Hoạt động biểu diễn từ 8 - 24h.
Ngoài ra, các mặt hàng lưu niệm bày bán trên thuyền phải được bố trí khu vực riêng, niêm yết giá công khai. Phạm vi neo đậu thuyền trong quá trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương được quy định đoạn từ cầu Trường Tiền đến cầu Dã Viên, các thuyền neo đậu giữ khoảng cách tối thiểu 50 mét.
Quản lý biểu diễn ca Huế qua camera
Đáng chú ý, với quy chế mới cũng đưa ra yêu cầu các thuyền tổ chức biểu diễn ca Huế phải lắp đặt từ 2 - 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn và có lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày, được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên - Huế mà cụ thể là tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Thiên Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên - Huế cho hay, sau khi tỉnh ban hành quy chế, các ngành chức năng đã lên tận các thuyền để tuyên truyền và vận động thực hiện đúng quy định, trong đó có việc lắp đặt camera.
“Hiện đã có nhiều chủ thuyền lắp đặt camera. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kiểm tra và nếu thuyền nào không chấp hành chúng tôi sẽ lập biên bản, xử phạt” - ông Bình nói.
Theo ông Bình, hệ thống camera này phải được kết nối với hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình, thời gian qua địa phương đã chỉ đạo các giải pháp tiến hành rà soát, kiểm tra, thực hiện tốt việc xây dựng môi trường du lịch một cách tốt nhất, trong đó biểu diễn ca Huế là một trong những nội dung quan trọng.
Thực tế trong thời gian qua công tác tổ chức các dịch vụ ca Huế vẫn còn một số tồn tại nên đã yêu cầu đổi mới quy chế. Ông Bình đề nghị các thuyền phải lắp camera, các đơn vị tổ chức sự kiện phải đăng ký, việc tổ chức bán vé cũng như các hoạt động dịch vụ một cách quy chuẩn.
Đồng thời tuân thủ quy định về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, môi trường, y tế và phòng, chống cháy nổ, phao cứu sinh, áo phao, các điều kiện khác theo quy định của pháp luật có liên quan trước và trong quá trình vận chuyển khách tham gia chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương.
Trong quá trình đó các cơ quan, đơn vị cần phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để báo cáo UBND tỉnh kịp thời và khẳng định tỉnh sẽ chỉ đạo, theo dõi một cách sát sao hoạt động này.