Ứng Lăng là tên gọi khác của Lăng Khải Định. Ngôi lăng được xây ròng rã trong suốt 11 năm tọa lạc tại núi Châu Chữ thuộc xã Thủy Bằng – thị xã Hương Thủy. Một số nguyên liệu chính để xây dựng được vua Khải Định cử người sang các nước Pháp, Nhật, Trung Quốc để mua về.
Vua Khải Định lên ngôi năm 1916 ở tuổi 31. Ngay sau khi lên ngôi, ông đã cho xây dựng khá nhiều cung điện, dinh thự, lăng tẩm cho bản thân và hoàng tộc như tiêu biểu như: điện Kiến Trung, cung An Định, cửa Trường An, cửa Hiển Nhơn, cửa Chương Đức, đặc biệt là Ứng Lăng.
Đến với nơi này, bạn dễ dàng nhận thấy lăng có vị trí đắc địa, phía trước lấy một quả đồi thấp làm tiền án và lấy núi Chóp Vung và Kim Sơn chầu trước mặt làm “Tả thanh long” và “Hữu bạch hổ” có khe Châu Ê chảy từ trái qua phải làm yếu tố “thủy tụ“, người xưa gọi là “minh đường“. Nhà vua đã đổi tên núi Châu Chữ thành Ứng Sơn và gọi tên lăng theo tên núi là Ứng Lăng.
Từ trên lăng có thể nhìn bao quát được cả một vùng đồi núi rộng lớn, xung quanh là những rừng cây bao phủ, khung cảnh thiên nhiên hài hòa. Vua Khải Định là vị vua thứ 12 của triều đại nhà Nguyễn. Ứng Lăng được xây dựng trong hơn một thập kỷ bởi nhiều thợ và nghệ nhân tài giỏi trong cả nước. So với các lăng khác, lăng Khải Định tuy nhỏ hơn nhưng được xây công phu, tỉ mỉ và tinh xảo nhất.
Bạn sẽ phải đi qua cổng chào uy nghiêm gồm 37 bậc cầu thang chia làm 3 lối, chạy từ trên xuống dưới là bốn con rồng bằng xi măng uống lượn chạy nhịp nhàng cân đối với ý nghĩa Rồng tức là sự sống, sự trường tồn.
Từ đó leo tiếp 29 bậc nữa để lên đến sân Bái Đình (còn gọi là Sân Chầu), nơi đặt các tượng đá hình quan văn, quan võ, lính túc vệ và tượng binh đối xứng hai bên.
Ở giữa sân chầu có Nhà Bia với những hàng cột bát giác và vòm cửa theo lối Roman biến thể.
Hai bên là Trụ Biểu được xây theo dạng stupa của nhà Phật; có ý nghĩa biểu tượng cho sức mạnh và quyền lực của nhà vua, đồng thời được xem như 2 ngọn đuốc thắp sáng cho linh hồn nhà vua trước khi vào cõi vĩnh hằng.
Từ Sân Chầu bạn đi tiếp 15 bậc thang nữa đến với cung Thiên Định được xây dựng cầu kỳ, hòa trộn nhiều phong cách kiến trúc khác nhau. Cái tên của cung Thiên Định gắn với ý đồ rất sâu xa của vua Khải Định: Thiên tức là Trời, Thiên Định tức là nơi trời đã định sẵn dành riêng cho vua. Công trình này được chia làm 5 phần liền nhau. Hai bên này là Tả – Hữu trự phòng dành cho lính hộ lăng, phía trước là điện Khải Thành (nơi có án thờ và chân dung của nhà vua), chính giữa là mộ vua, trong cùng là khám thờ bài vị của vua.
Không gian sảnh ngoài ở điện là nơi thắp hương và để ảnh của nhà vua, nổi bật là các điện tường phẳng được trang trí dày đặc bởi nghệ thuật ghép sành sứ cùng với các đồ án hoa lá và tứ bình. Ở 4 góc của điện Khải Thành là hệ thống 16 bức tranh trong bộ Tứ Bình. Tứ Bình ở đây chính là 4 loài cây: Mai, Sen, Cúc, Liễu tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Cùng với tranh trên tường, dưới nền lát gạch men hoa và đặc biêt trên trần nổi bật với bức vẽ “Cửu Long Ẩn Vân” của nghê nhân Phan Văn Tánh. Cả không gian 6 mặt đã tạo nên một thế giới nghệ thuật.
Phòng sau của điện Khải Thành là chính tẩm có đặt tượng vua Khải Ðịnh được đúc tại Pháp năm 1920, mộ phần ở phía dưới. Trong cùng là khán thờ với bài vị của vị vua quá cố.
Những tượng ở Ứng Lăng được làm bằng chất liệu đá quý hiếm, tạc kỳ công và đều có thần sắc riêng.
Tham khảo thêm: tour Huế, tour Đà Nẵng 4 ngày 3 đêm, tour Đà Nẵng 3 ngày 2 đêm