Slide

Vì sao khách Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam số lượng lớn?

Vì sao khách Trung Quốc chưa thể sang Việt Nam số lượng lớn?

Thông tin Trung Quốc vừa thông báo nối lại hoạt động đưa khách theo nhóm đi du lịch nước ngoài với 20 nước, trong đó không có Việt Nam khiến nhiều kế hoạch, hợp đồng của một số doanh nghiệp phải tạm gác lại, nhưng không phải vì thế mà quá lo lắng.

Trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19, năm 2019, Vietnam Airlines phục vụ 8,1 triệu lượt khách giữa Trung Quốc và Việt Nam, chiếm tỉ trọng 19% tổng số lượng khách của hãng và nằm trong top 3 thị trường có số lượng khách lớn nhất của hãng.
Theo Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, năm 2019, tỉnh này đón tới 3,5 triệu khách quốc tế lưu trú, trong đó khách Trung Quốc chiếm 70%, còn lại là Nga và các nước khác. Hiện nay, khách sạn tại Nha Trang mới mở lại được khoảng 10% bởi vắng bóng khách quốc tế.
Trong bức tranh kinh tế năm 2023, nhiều tổ chức tài chính cũng nhận định việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại, trong đó có ngành du lịch, có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nửa cuối năm.
Tại Đà Nẵng, bà Trần Thị Tâm - chủ một nhà hàng chuyên phục vụ khách Trung Quốc trên đường Hồ Nghinh, quận Sơn Trà - cho biết lượng khách Trung Quốc đến nhà hàng rất ít. Khách Trung Quốc muốn đi diện cá nhân sang Việt Nam cũng khó vì chính sách visa chưa thông thoáng. Bà Tâm kiến nghị Tổng cục Du lịch cần có động thái để sớm kết nối với phía Trung Quốc, mở cửa lại lưu thông du lịch giữa 2 nước.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng, cho hay khách Trung Quốc chiếm thị phần lớn trong số lượng khách quốc tế đến Đà Nẵng. Năm 2019, Đà Nẵng đón gần 1 triệu khách Trung Quốc. Năm nay, năng lực của Đà Nẵng có thể đón bằng hoặc hơn số lượng khách của năm 2019. Tuy nhiên, Đà Nẵng chưa mở lại các chuyến bay thường lệ đến Trung Quốc. Dự kiến trong tháng 4-2023, Vietnam Airlines sẽ mở lại các đường bay Đà Nẵng đi Quảng Châu, Thượng Hải, Thành Đô của Trung Quốc.
Các doanh nghiệp ở Đà Nẵng luôn trong tư thế sẵn sàng đón khách Trung Quốc, từ nhân lực, cơ sở vật chất đến dịch vụ. "Việc cần thiết nhất lúc này là Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cần xúc tiến sớm việc trao đổi với phía Trung Quốc nhằm kết nối lại du lịch của 2 nước. Chỉ cần 2 bên đồng ý là các doanh nghiệp sẵn sàng đón khách" - ông Dũng nói.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Nhựt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa, Tổng Giám đốc Công ty CP Hòn Tằm Biển Nha Trang - cho hay qua làm việc với các đơn vị lữ hành Trung Quốc, họ cho biết đã nắm trước các thông tin này và có kế hoạch triển khai du lịch Việt Nam vào cuối tháng 3-2023. Các công ty lữ hành Trung Quốc đang hướng đến điểm đến an toàn mới triển khai, thị trường đó phải phục vụ khách chu đáo. Nha Trang nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ là điểm đến được yêu thích.
"Chúng ta không nên quá lo lắng, mà cần thời gian, sự chuẩn bị chuyên nghiệp nhất, an toàn nhất để đón khách Trung Quốc" - ông Nhựt nêu quan điểm.
Vietnam Airlines cho biết sẽ nối lại 5 đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ tháng 3 và tháng 4 năm nay, qua đó khôi phục tổng cộng 9 trên 10 đường bay tới Trung Quốc so với giai đoạn trước dịch COVID-19.
Cụ thể, từ tháng 3, Vietnam Airlines sẽ nối lại đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh với tần suất 3 chuyến bay /tuần; tăng tần suất các chuyến bay kết nối Hà Nội, TP HCM với Quảng Châu và Thượng Hải - mỗi đường bay sẽ khai thác 4 chuyến bay một tuần. Từ tháng 9-2023, hãng có kế hoạch đưa máy bay thân rộng Airbus A350 và Boeing 787 khai thác trên các đường bay giữa Hà Nội và Bắc Kinh; giữa Hà Nội, TP HCM và Thượng Hải. 

Cùng chuyên mục