Vợ chồng Trịnh Nam Thái lần đầu tiên leo núi trong đêm, chinh phục đỉnh Kawah Ijen.
Kawah Ijen cao gần 2.800 m so với mực nước biển, nằm cách thị trấn Banyuwangi 26 km về phía tây bắc. Theo số liệu Global Volcanism Program, miệng núi lửa này được ghi nhận có bán kính 361 m, diện tích bề mặt là 410.000 m2, nơi sâu nhất 200 m.
Vợ chồng anh Trịnh Nam Thái và chị Phạm Bích Ngọc (Hà Nội) vừa có chuyến đi 21 ngày tới Indonesia. Điểm đến ấn tượng nhất trong hành trình này là đỉnh núi Kawah Ijen, một trong 76 miệng núi lửa còn hoạt động ở Indonesia.
Hồ nước trong miệng núi lửa Kawah Ijen có tính acid lớn, hình thành ngọn lửa màu xanh lam. "Khi xem hình ảnh trên mạng, hai vợ chồng đã rất tò mò và đề ra mục tiêu nhất định phải đến đây, săn những bức ảnh thật đẹp", Nam Thái chia sẻ.
Từ Bali, vợ chồng Thái di chuyển bằng xe máy quãng đường 200 km. Họ nghỉ lại một đêm ở thành phố cách Kawah Ijen khoảng 5 km. Sáng hôm sau họ đến chân núi. Do khu vực này chỉ mở cửa cho khách du lịch từ 2h đến 12h sau đó sẽ đóng cửa phục vụ khai thác mỏ nên buổi chiều họ ở chân núi thuê phòng để nghỉ ngơi, chờ đến 2h sáng bắt đầu leo núi.
Chặng đường họ leo gồm 3,5 km đường bằng, 500 m đường núi. Những con dốc 45-60 độ thử thách lòng kiên nhẫn của mọi người. "Bóng tối bao phủ, nhiệt độ lúc đó chỉ tầm 5 độ C. Nhiều người cùng leo núi đã phải dừng lại để nôn hoặc quay đầu với các triệu chứng nôn nao, do thay đổi độ cao, nhiệt độ và mùi lưu huỳnh nồng nặc", anh Thái kể.
Mất khoảng gần 2 tiếng leo núi, vợ chồng anh Thái tiếp tục trèo thêm 45 phút qua các núi đá để vào trong họng núi lửa. Càng xuống thấp, mùi lưu huỳnh càng nồng nặc.
Trên đường đi, du khách sẽ bắt gặp nhiều người thợ mỏ, gánh những tảng lưu huỳnh nặng từ 75 đến 90 kg, mang ra từ họng núi lửa. Họ cũng di chuyển quãng đường từ đỉnh núi xuống chân núi như khách du lịch. Trong ảnh là rổ lưu huỳnh ở thể rắn, màu vàng.
Những bó hoa người dân bán để khách du lịch ném xuống lòng núi lửa, cầu bình an.
Đi sâu xuống đáy miệng núi lửa, nơi có mỏ lưu huỳnh và những ngọn lửa xanh đang cháy bập bùng, mọi mệt mỏi của hai vợ chồng đều tan biến. Ngọn lửa màu xanh lam, kèm theo những cuộn khói khổng lồ.
Nếu đứng quá gần, mùi của lưu huỳnh và khí sẽ khiến con người chao đảo, thậm chí bị bắt lửa. "Mọi người nên thuê mặt nạ phòng độc để tránh hít phải quá nhiều lưu huỳnh", Nam Thái chia sẻ.
Mất vài giờ để xuống họng núi lửa nhưng chỉ có vài phút để chiêm ngưỡng ngọn lửa màu xanh lam rực rỡ trong bóng tối. Sau đó, hai vợ chồng nhanh chóng di chuyển lên miệng núi để kịp đón bình minh.Từ miệng núi lửa đi lên khi trời còn tờ mờ tối, phải dùng đèn pin để di chuyển, đến khi mặt trời lên cao, hai vợ chồng vỡ òa trước thiên nhiên hùng vĩ. Từng ngọn núi hiện lên lúc rõ, lúc mờ sau làn mây di chuyển trên bầu trời, bên dưới là miệng hồ màu xanh ngọc.
Từ miệng núi lửa đi lên khi trời còn tờ mờ tối, phải dùng đèn pin để di chuyển, đến khi mặt trời lên cao, hai vợ chồng vỡ òa trước thiên nhiên hùng vĩ. Từng ngọn núi hiện lên lúc rõ, lúc mờ sau làn mây di chuyển trên bầu trời, bên dưới là miệng hồ màu xanh ngọc.
"Chúng tôi không nhớ đã dành bao nhiêu phút để đứng im, cạnh nhau, tận hưởng khung cảnh tuyệt đẹp đó. Những gì trước mắt làm chúng tôi quên mất thời gian. Hai vợ chồng di chuyển xuống chân núi và mang theo cả bầu trời màu tím hồng, trong những bức ảnh", Nam Thái kể.
Source: vnexpress.net